Ý kiến thăm dò

Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
176322
 csx.jpg

                                                                              Công sở xã Thọ Tiến
I. Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên

Thọ Tiến là một xã vùng bán sơn địa, thuộc huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cách trung tâm huyện khoảng 13 km và cách thành phố Thanh Hóa khoảng 27km về phía tây. Phía bắc giáp xã Thọ Cường, phía đông  giáp xã Xuân Thọ và xã Hợp Lý, phía nam giáp xã Thọ Bình, phía tây giáp xã Thọ Sơn. Diện tích tự nhiên của xã có 863,67 ha. Theo điều tra dân số năm 2019, Thọ Tiến có số dân 5.618 người gồm dân cư ở nhiều tỉnh, thành hợp lại, chủ yếu là dân tộc kinh, số người trong độ tuổi lao động có 2.508  người, trong đó tỷ lệ qua đào tạo chiếm 65%.

Địa hình, thổ nhưỡng: Cũng giống như các xã trong khu vực, địa hình của Thọ Tiến nghiêng theo chiều Tây Bắc - Đông Nam theo hướng chảy của các dòng sông trong địa bàn. Thọ Tiến rất điển hình của một vùng bán sơn địa với những cánh đồng trồng lúa nước không quá rộng như khu vực đồng bằng, xen kẽ là các gò đồi nằm rãi rác trên địa bàn xã. Theo số liệu báo cáo năm 2019, đất nông nghiệp có 560,1ha, trong đó đất cấy lúa có 358,6ha, đất lâm nghiệp có 140ha, còn lại là các loại đất khác.

Một dạng địa hình khác của Thọ Tiến là gò núi, với 139,1ha, chiếm 16,1% diện tích toàn xã. Đây thực chất là những quả đồi sót của hệ thống đồi núi từ phía tây tràn về, gồm 17 quả đồi lớn, nhỏ gồm các đồi: Đồng Chùa, Rú Xi, Rú Bưởi, Rú Định, Rú Đẻ, Rú Đang, đông Quấng, Đông Chùa, Đông Suội, Rú Kích, Ao Sằn, Ao Hồ, Làng Dại, Đông Eo, Đông Bàn, Đông Giữa, Sang Sung. Ngoài ra còn một số đồi nhỏ rải rác ở các làng, như: Ải Đền, Lạc Ngà, Đồng Lau, Đồng Mấc, Đồng Đốn….

Nhìn chung, gò đồi ở Thọ Tiến tương đối nhỏ và thấp. Lớn nhất là đồi Đồng Bàn ở làng Bình Trị cũng chỉ cao 15m và rộng 20ha, đồi nhỏ như đồi Lạc Ngà chỉ cao 5m[1]. Hiện nay đa số các đồi ở Thọ Tiến đã được làm khu dân cư, một phần trồng cây lâm nghiệp và trồng màu, như: ổi, nhãn, mía, lạc...

Khí hậu: Thọ Tiến nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa. Đặc điểm chung của kiểu thời tiết này là ngoài việc phân hóa theo vĩ độ còn chịu tác động sâu sắc của hai mùa gió trên một nền nhiệt và ẩm phong phú. Ở Thọ Tiến còn chịu tác động của vùng núi, bán sơn địa tuy không rõ nét.

Từ tháng 5 đến tháng 10 là thời kỳ hoạt động mạnh của gió mùa Đông Nam, còn gọi là gió nồm

Từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau là thời gian hoạt động mạnh của gió mùa Đông Bắc, còn gọi là gió bấc

Chồng lấn, giữa hai mùa trên là thời kỳ chuyển tiếp có thời tiết tương đối dễ chịu. Từ tháng 2 đến cuối tháng 4 là mùa Xuân, trước khi có lụt tiểu mãn thường có mưa phùn, đôi khi tạo nên kiểu mưa thâm, gió bấc rất đặc trưng của khu vực, dân gian gọi là rét Nàng Bân. Từ tháng 9 đến tháng 11 là mùa Thu thời tiết mát mẻ, dễ chịu, nhưng năm vẫn còn mưa lớn, hoặc bão.

Ngoài điểm chung trên, Thọ Tiến cũng như các xã vùng miền núi, bán sơn địa vào mùa Thu và mùa Xuân độ ẩm không khí thường cao và điểm sương thường thấp hơn các xã vùng đồng bằng nên số ngày có sương thường cao[2]. Nhiều ngày, trong khi các xã đồng bằng trời quang đãng thì Thọ Tiến và các xã vùng núi, bán sơn địa đã giăng giăng sương mù.

Khí hậu ở Thọ Tiến tuy có nhiều bất cập, nhưng nhìn chung thuận lợi cho việc phát triển một nền nông nghiệp lúa nước với nhiều sản vật nhiệt đới phong phú, bên cạnh đó lại xuất hiện những giống cây từ ôn đới nhập về do sự xuất hiện của một mùa đông giá lạnh như: cà chua, cải bắp, khoai tây, các giống hoa...

Sông hồ: Thọ Tiến không có con sông lớn nào chảy qua địa bàn xã, nhưng có con sông nhỏ là sông Đền được coi là thượng nguồn của sông Nhơm.

Ngoài sông Đền, Thọ Tiến còn có sông Bồng Cống tiếp nước từ Thọ Bình chảy vào sông Bò Lăn về Cầu Mướng Xuân Thọ. Sông này chỉ có nước lớn mùa mưa lũ, bình thường ít nước do nhỏ và bị bồi lấp.

Trước đây hồ đập ở Thọ Tiến tương đối nhiều, chủ yếu là do xã và các HTX nông nghiệp đắp để lấy nước tưới, phục sản xuất cho 40% diện tích canh tác của xã. Lớn nhất là hồ Tám Sáu Mẫu, sở dĩ có tên như vậy là do diện tích ban đầu của hồ rộng 86 mẫu và hồ Ngân Sách 25 mẫu, tên này gắn với việc xã dùng ngân sách để đầu tư đắp hồ. Từ năm 1985 trở về trước, hồ vừa cung cấp nước, vừa được dùng để nuôi cá, hiện nay dân cư ở một phần quanh hồ, chỉ còn lại khoảng 20 mẫu (hồ ngân sách xã) cho nhân dân đấu thầu nuôi cá. Đến thời điểm này, các hồ đập nhỏ như đập đồng Khố không còn, nay chỉ còn lại đập đồng Quấng, đập đồng Cổ (do xã quản lý). Thọ Tiến còn có một mau rộng gần 2 mẫu trước đây là khu vực chứa nước tưới tiêu cho làng Hoành Cừ, bây giờ dùng để trồng lúa, kết hợp với nuôi cá.

Từ năm 1896 đến năm 1925, người  Pháp đã cho xây dựng hệ thống thủy nông sông Chu, gồm: đập Bái Thượng, 1 kênh đào chính, 2 kênh đào phụ có tổng chiều dài 110km, cùng hệ thống tiểu câu dài 2.625km, đảm bảo nước tưới cho hơn 5 vạn héc ta ruộng đất các huyện đồng bằng sông Chu, sông Mã. Trên địa bàn Thọ Tiến có chi giang 6 chảy qua dài 5km từ xóm 13 đến xóm 1 (Từ thôn 1 đến thôn 6 hiên nay), từ đây có hệ thống mương phục vụ nước tưới cho phần lớn diện tích canh tác trong xã.

Hệ thống giao thông: Trước đây, khi hệ thống giao thông đường bộ chưa phát triển, sông Đền là đường giao thông để vận chuyển lâm thổ sản. Từ sông Đền có thể xuôi dòng đến sông nhà Lê, về sông Nhơm về sông Yên ở phía nam, hay ngược sông Hoàng về sông Mã, sông Chu, ra hệ thống sông Hoạt ở phía bắc của tỉnh. Tuy nhiên, do nằm trên thượng lưu sông Nhơm nước chỉ lớn vào mùa mưa nên chức năng giao thông không lớn.

Về đường bộ, trước Cách mạng tháng Tám, Thọ Tiến không có con đường lớn nào đi qua xã, các tuyến đường liên thôn, liên xã là đường đất nhỏ hẹp, hai bên cây cối rậm rạp. Trải qua năm tháng, nhất là những năm gần đây, hệ thống giao thông trong xã tương đối phát triển. Hiện nay trong xã có hai trục giao thông chính đi qua địa bàn xã: Có 4 km đường Quốc lộ từ Nghi Sơn đi Sao Vàng theo hướng Tây Nam - Đông Bắc qua địa bàn xã. Trên địa bàn xã còn có đường liên xã theo hướng Đông - Tây đi về phía tây đến Thọ Sơn, thị trấn Sao Vàng với tổng chiều dài 6 km, đi về phía đông đến các xã Xuân Thọ, Hợp Lý, Hợp Tiến và trung tâm huyện Triệu Sơn.

Ngoài ra còn có đường nhỏ hơn từ làng Hữu Vy đến Thọ Cường, đường từ làng Bái Giang đến Thọ Sơn, đường từ Hoành Cừ, Lạc Lâm đến Thọ Bình… Tổng chiều dài đường nội thôn 28kn đến nay đã bê tông hóa được 21 km theo chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiên giao thông, giao thương thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội.

Từ năm 2010 đến nay, thực hiện chủ trương kiên cố hóa đường nông thôn, cùng với phong trào xây dựng làng văn hóa, đặc biệt là phong trào xây dựng nông thôn mới, hệ thống đường liên thôn, nội thôn được mở rộng và đổ bê tông đáp ứng nhu cầu dân sinh và sự phát triển xã hội trong giai đoạn mới

II. Lịch sử hình thành cộng đồng dân cư

Đến trước Cách mạng tháng Tám, trên địa bàn Thọ Tiến ngày nay có 4 làng là: Hữu Vy, Hoành Cừ, Bình Trị và làng Lạc Lâm. Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 22 - 11 - 1945, Chính phủ lâm thời có Sắc lệnh 63-SL/CP, cấp tổng bị giải thể, thành lập đơn vị hành chính cấp xã. Theo đó, phủ Thọ Xuân được đổi thành huyện Thọ Xuân gồm 22 xã. Các làng Hữu Vy, Hoành Cừ, Bình Trị, Lạc Lâm, cùng với các làng Tam Lạc, Khổng Tào, làng Bừa, làng Mốc thuộc xã Cộng Hòa. Năm 1947, xã Cộng Hòa đổi tên thành xã Thọ Tiến. Năm 1949, xã Thọ Tiến sáp nhập với xã Thái Bình thành xã Thọ Bình gồm 16 làng: Hữu Vy, Hoành Cừ, Bình Trị, Lạc Lâm, Tam Lạc, Khổng Tào, Bừa, Mốc, Ngọc Chùa, Bái Con, Nước Đá, Xuân Thắng, Bàn Sáo, Đồng Lồng, Cống Chùa, Sơn Thủy.

Sau khi kháng chiến chống Pháp thắng lợi, thực hiện chủ trương của Chính phủ, huyện Thọ Xuân cơ cấu lại đơn vị xã theo hướng chia các xã lớn thành các xã nhỏ, toàn huyện Thọ Xuân có 54 xã, 190 thôn. Xã Thọ Bình (cũ) được chia thành 3 xã: Thọ Tiến, Xuân Thọ, Thọ Bình (mới). Xã Thọ Tiến chính thức được thành lập tháng 7 năm 1954, thuộc huyện Thọ Xuân gồm 4 làng: Hữu Vy, Bình Trị, Hoành Cừ, Lạc Lâm và một số xóm mới.

Theo Quyết định cố 177-QĐ/CP ngày 16 - 12 - 1964 của Chính phủ, huyện Triệu Sơn được thành lập gồm 13 xã phía nam của huyện Thọ Xuân và 20 xã phía bắc của huyện Nông Cống. Từ tháng 2 năm 1965, các tổ chức Đảng, bộ máy chính quyền, đoàn thể huyện Triệu Sơn chính thức đi vào hoạt động. Từ đây, xã Thọ Tiến thực thuộc huyện Triệu Sơn.

Tháng 4 năm 1974, Thọ Tiến thành lập HTX nông nghiệp toàn xã, với 9 đội sản xuất, được gọi tên từ đội 1 đến đội 9 . Do đặc thù quản lý kinh tế thời bấy giờ, các đội sản xuất không chỉ là đơn vị trực thuộc HTX nông nghiệp mà còn là đơn vị nối dài của Đảng ủy, Ủy ban hành chính xã. Thời kỳ này mỗi đội sản xuất thành lập 1 chi bộ.

          Cuối năm 1989, các đội của HTX Nông nghiệp Thọ Tiến được đổi tên theo chủ chương thành lập thôn. Lúc này Thọ Tiến có 10 thôn là: Bái Giang, Hữu Vy (1), Hữu Vy (2), Hỏa Sa, Hoành Cừ, Dân Tiến, Lạc Lâm, Bắc Sơn, Bình Trị, Hoàng Sa.

Từ khi thực hiện chủ trương xây dựng làng văn hóa, các làng văn hóa có tên theo tên đơn vị hành chính thôn.

Thực hiện Quyết định 3110-QĐ/UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa ngày 7 - 8 - 2018 về việc đổi tên; chuyển đổi thôn thành khu phố; sáp nhập để thành lập thôn, tổ dân phố tại xã, phường, thị trấn thuộc các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Thọ Tiến sáp nhập 10 làng nhỏ thành 6 thôn (tương ứng 10 chi bộ nông thôn thành 6 chi bộ nông thôn) gồm:

Thôn 1có 2 làng: Bái Giang và Hỏa Xa.

Thôn 2 có 1 làng: Hữu Vy (1) và Hữu Vy (2).

Thôn 3 có 2 làng: Hoành Cừ và Dân Tiến.

Thôn 4 có 1 làng: Lạc Lâm.

Thôn 5 có 1 làng: Bắc Sơn.

Thôn 6 có 2 làng: Bình Trị và Hoàng Sa.

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Sự chỉ đạo, tạo điều kiện của cấp trên và sự nổ lực của Cán bộ và nhân dân xã Thọ Tiến, qua 66 năm xây dựng và phát triển ( 1954 – năm Chi bộ xã Thọ Tiến được thành lập đến 2020 ) xã Thọ Tiến đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận và phát triển trên mọi lĩnh vực, bộ mặt của xã ngày càng được khang trang, đời sống mọi mặt của nhân dân được cải thiện và ngày càng được nâng lên. Trong công cuộc xây dựng Nông thôn mới xã Thọ Tiến tính đến thời điểm tháng 2/2020 xã đã đạt được 15/19 tiêu chí,  còn lại 5 tiêu chí là: Môi trường; Thu nhập; Ytế; cơ sở vật chất văn hóa. Hiện xã đang tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu và sẽ hoàn thành và về đích Nông thôn mới trong quý II/ 2020.